Bệnh thiếu máu cơ tim có chữa khỏi được không? Bác sĩ giải đáp

Thiếu máu cơ tim là tình trạng bệnh không hiếm gặp trong xã hội ngày nay. Bệnh nhân bị thiếu máu cơ tim nếu không được phát hiện và điều trị sớm có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng như rối loạn nhịp tim, suy tim, nhồi máu cơ tim. Vậy bệnh thiếu máu cơ tim có chữa khỏi được không? Chúng ta cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé.

Bệnh thiếu máu cơ tim có chữa khỏi được không?

Thiếu máu cơ tim là tình trạng bệnh lý xảy ra khi lưu lượng máu đi đến tim bị giảm, không cung cấp đủ oxy cho tim để co bóp máu nuôi cơ thể. Đây không phải là tình trạng hiếm gặp tại Việt Nam, hiện nay số lượng bệnh nhân mắc các vấn đề liên quan đến tim mạch khá lớn. Người bệnh bị thiếu máu cơ tim nếu không được phát hiện sớm và điều trị có thể gặp các biến chứng nặng nề dẫn đến nguy cơ tử vong.

Vậy bệnh thiếu máu cơ tim có chữa khỏi được không? 

Theo các bác sĩ chuyên khoa Tim mạch, bệnh thiếu máu cơ tim có thể chữa được nhưng khó điều trị khỏi hoàn toàn. Tùy theo tình trạng bệnh mà bác sĩ chỉ định các phương pháp điều trị khác nhau, giúp người bệnh giảm nhẹ triệu chứng và ngăn ngừa phát triển các biến chứng của bệnh, kéo dài tuổi thọ bệnh nhân.

Nếu không được điều trị đúng và kịp thời, thiếu máu cơ tim có thể gây nên các hệ quả nghiêm trọng, điển hình trong số đó là nhồi máu cơ tim – có thể đe dọa đến tính mạng con người chỉ trong vòng vài phút. Vì vậy, những người bị thiếu máu cơ tim hoặc có tiền sử bệnh tim, gia đình có người bị bệnh tim cần đi thăm khám bác sĩ định kỳ để có liệu trình điều trị phù hợp nhất. Ngoài ra, nếu gặp bất kỳ những triệu chứng bất thường như tức ngực, hồi hộp tim đập nhanh, đau thắt ngực, khó thở,…thì cần đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị nhanh nhất.

Giải đáp bệnh thiếu máu cơ tim không thể điều trị khỏi hoàn toàn
Giải đáp bệnh thiếu máu cơ tim không thể điều trị khỏi hoàn toàn

Cách điều trị bệnh thiếu máu cơ tim?

Tùy theo tình trạng bệnh mà các bác sĩ có phác đồ điều trị cho bệnh nhân một cách hiệu quả. Dưới đây là một số phương pháp dùng trong việc điều trị bệnh thiếu máu cơ tim.

Sử dụng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ

Một trong những phương pháp điều trị lâu dài và đem lại hiệu quả tích cực là sử dụng thuốc. Trong thời gian điều trị bằng thuốc, người bệnh cần tuân theo những chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không được tự ý thay đổi các loại thuốc cũng như lộ trình uống thuốc để tránh xảy ra những rủi ro không đáng có.

Một số loại thuốc được các bác sĩ sử dụng trong quá trình điều trị cho bệnh nhân thiếu máu cơ tim:

  • Thuốc chống đông máu: giúp ngăn ngừa hình thành nên các cục máu đông dẫn đến các cơn đau tim, nhồi máu cơ tim.
  • Thuốc hạ mỡ máu Statin: có tác dụng làm giảm lượng cholesterol trong máu về ngưỡng an toàn, tránh gây ra các biến chứng về tim mạch.
  • Thuốc chẹn beta: làm giãn cơ tim, chậm nhịp tim và hạ huyết áp để máu lưu thông về tim dễ dàng.
  • Nhóm thuốc có gốc nitrat (NO): có tác dụng làm giãn mạch, cải thiện lưu lượng máu đến và đi khỏi tim. Nhờ vậy, tim không phải hoạt động gắng sức.
  • Thuốc aspirin: làm loãng máu giúp giảm nguy cơ hình thành nên các cục máu đông, ngăn ngừa tình trạng tắc nghẽn động mạch vành.

Ngoài ra, bác sĩ có thể kê thêm thuốc angiotensin hoặc ranolazine giúp làm giãn mạch, hạ huyết áp và hạn chế các cơn đau thắt ngực cho những bệnh nhân có nền bệnh cao huyết áp hoặc đái tháo đường.

Duy trì chế độ ăn khoa học

Giống như hầu hết các loại bệnh lý khác, duy trì chế độ ăn khoa học giúp kiểm soát và ngăn ngừa bệnh thiếu máu cơ tim diễn biến và tiến triển nặng hơn. Nếu có một thực đơn ăn uống đầy đủ dinh dưỡng và hợp lý, bệnh nhân có thể cải thiện tình trạng bệnh và giảm các triệu chứng một cách nhanh chóng, nâng cao tuổi thọ của mình.

Cụ thể, người bệnh cần cải thiện thực đơn ăn uống của mình như sau:

  • Bổ sung các loại thực phẩm giàu vitamin, chất xơ và khoáng chất: rau xanh, trái cây tươi, ngũ cốc nguyên hạt,…
  • Ăn cá, thịt gia cầm bỏ da, thịt nạc, không ăn các loại thịt đỏ.
  • Sử dụng các loại dầu thực vật như: dầu oliu, dầu đậu nành, dầu gấc để chế biến thức ăn. Không sử dụng các loại mỡ từ động vật.
  • Ăn ít muối, tránh ăn các loại thực phẩm chứa hàm lượng muối lớn như: dưa muối, cà muối, kim chi, thịt chế biến sẵn, thức ăn đóng hộp.
  • Không ăn nội tạng động vật.

Bên cạnh đó, người bị thiếu máu cơ tim cũng cần có một lối sống lành mạnh:

  • Tập thể dục thường xuyên, không tập luyện quá sức.
  • Không sử dụng các thức uống có cồn và chất kích thích như: rượu, bia, cà phê,..
  • Không hút thuốc lá, thuốc lào.

Điều trị bằng phẫu thuật

Trong trường hợp bệnh nhân gặp tình trạng quá nặng, điều trị bằng thuốc không đem lại hiệu quả tích cực, các bác sĩ sẽ can thiệp phẫu thuật điều trị để cải thiện lưu lượng máu. Một số phương pháp phẫu thuật phổ biến:

  • Tạo hình mạch và nong mạch (đặt stent): Bác sĩ sẽ dùng một ống thông (catheter) mỏng, nhỏ, linh hoạt luồn vào trong động mạch. Ở đầu của ống thông gắn một quả bóng nhỏ, khi đến khu vực động mạch bị hẹp thì quả bóng được bơm hơi phồng lên để mở rộng lòng mạch. Sau đó, một ống lưới chuyên dụng (gọi là stent) được đưa đến vị trí này để giữ động mạch luôn mở rộng. Phương pháp này giúp tăng tưới máu cho tim, giảm tình trạng đau thắt ngực. Sau khi phẫu thuật, người bệnh được chỉ định sử dụng thuốc chống đông máu trong một thời gian nhất định tùy theo hiện trạng bệnh.
  • Phẫu thuật bắc cầu động mạch vành: Khi bệnh nhân bị thiếu máu cơ tim trầm trọng cùng với việc sử dụng các phương pháp đặt stent không có hiệu quả thì phương pháp này được sử dụng. Bác sĩ phẫu thuật sẽ lấy một phần động mạch ở bộ phận khác của cơ thể ghép vào, làm cầu nối cho vị trí mạch vành bị tắc, hẹp. Phương pháp này cũng mang lại hiệu quả nhanh chóng hỗ trợ cho máu đi nuôi tim.
  • Phản xung động ngoại biên tăng cường (EECP): Đây là phương pháp điều trị tương đối mới cho các bệnh về mạch vành. Bác sĩ sẽ quấn vòng đặc biệt quanh bắp chân, đùi và mông của bạn, sau đó thổi phồng và xì hơi. Điều này làm thu hẹp máu ở các chi dưới và tăng lưu lượng máu đi đến tim. EECP được sử dụng khi các phương pháp điều trị khác không đem lại hiệu quả.
Một số phương pháp điều trị bệnh thiếu máu cơ tim
Một số phương pháp điều trị bệnh thiếu máu cơ tim

Một số cách sơ cứu khi bị nhồi máu cơ tim

Tình trạng thiếu máu cơ tim diễn ra quá dài gây chết mô cơ tim dẫn đến tình trạng nhồi máu cơ tim, ảnh hưởng đến tính mạng của bệnh nhân. Vì vậy, việc sơ cứu khi gặp tình trạng nhồi máu cơ tim là vô cùng cần thiết để bảo vệ chính mình và người thân xung quanh vượt qua cơn nguy kịch.

Đối với người bệnh

  • Cần dừng ngay các hoạt động đang làm, ngồi hoặc nằm nghỉ theo tư thế nửa nằm nửa ngồi: co đầu gối, nghiêng 75 độ so với mặt đất.
  • Giữ bình tĩnh, thả lỏng cơ thể, tránh căng thẳng gây áp lực cho tim.
  • Nới rộng cổ áo, cà vạt, khăn choàng cổ để cơ thể dễ thở.
  • Dùng thuốc cắt cơn đau thắt ngực: Sử dụng nitroglycerin ngậm, nếu được kê aspirin thì sử dụng thêm aspirin để tránh hình thành cục máu đông. 
  • Gọi cấp cứu 115 hoặc nhờ người thân đưa đến cơ sở y tế khám chữa bệnh gần nhất.

Đối với người xung quanh

  • Nếu người bệnh còn tỉnh, thực hiện các phương pháp sơ cứu như trên: để người bệnh nghỉ ngơi tại nơi thoáng đãng, nới rộng cổ áo hoặc cà vạt, cho bệnh nhân uống thuốc nitroglycerin và liên hệ bệnh viện gần nhất.
  • Đối với người bệnh bất tỉnh, để bệnh nhân lên mặt phẳng, kê cao cổ và đầu hơi ngửa ra sau, móc hết dị vật trong miệng người bệnh sau đó tiến hành hô hấp nhân tạo. Ép tim người bệnh nếu biết cách thực hiện. Gọi xe cấp cứu hoặc đưa đến cơ sở khám bệnh gần nhất.
Cách sơ cứu cần thiết cho người bị thiếu máu cơ tim
Cách sơ cứu cần thiết cho người bị thiếu máu cơ tim

Thiếu máu cơ tim là căn bệnh nguy hiểm tuy nhiên với sự phát triển của y học ngày nay bạn hoàn toàn có thể kiểm soát và điều trị bệnh. Bài viết đã giải đáp câu hỏi “bệnh thiếu máu cơ tim có chữa khỏi được không” và đưa ra một số biện pháp điều trị đối với bệnh nhân thiếu máu cơ tim. Ngoài việc can thiệp phẫu thuật hay sử dụng thuốc, người bệnh cần duy trì thói quen ăn uống và sinh hoạt lành mạnh. Hy vọng bài viết mang lại thông tin hữu ích, có giá trị với bạn đọc.